11.12.2024 , theo Bệnh Viện Phổi Tỉnh Hà Giang
Tại sao khi nằm viện bác sĩ lại chỉ định cho tôi thực hiện kỹ thuật thăm dò chức năng hô hấp?
Đó là câu hỏi của rất nhiều bệnh nhân khi được bác sĩ chỉ định làm thăm dò chức năng hô hấp tại khoa Bệnh Phổi – PHCN – VLTL bệnh viện Phổi Hà Giang.
Để trả lời cho câu hỏi này trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu qua một chút thông tin về kỹ thuật Thăm Dò Chức Năng Hô Hấp hay còn gọi là Đo Chức Năng Hô Hấp.
Đo Chức Năng Hô Hấp là biện pháp sử dụng máy đo các dòng khí khi hít vào, thở ra, từ đó tính toán được nhiều chỉ số chức năng phổi quan trọng. Kỹ thuật này thường được dùng trong chẩn đoán và theo dõi đánh giá mức độ nặng nhẹ của các bệnh lý hô hấp. Kỹ thuật giúp ghi lại những thông số hô hấp liên quan đến hoạt động của phổi, từ đó giúp đánh giá hai hội chứng rối loạn thông khí: tắc nghẽn và hạn chế.
Hình ảnh: Máy đo chức năng hô hấp HI801
Đây là kỹ thuật thăm dò khá đơn giản, dễ dàng thực hiện và không xâm lấn nên bệnh nhân sẽ không bị đau đớn và hầu như không gây khó chịu hay tai biến.
*Khi làm kỹ thuật này người bệnh sẽ thực hiện dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên với hai động tác chính:
-Động tác thứ nhất: Hít vào thở ra bình thường, sau đó được yêu cầu hít vào sâu thật hết sức, rồi thở ra thật hết sức;
-Động tác thứ hai: Hít vào thở ra bình thường, rồi sau đó được yêu cầu hít vào thật hết sức và thổi ra thật nhanh, thật mạnh, hết sức có thể, và tiếp tục thở ra cho đến khi hết ít nhất 6 giây.
Hình ảnh: Kỹ thuật viên hướng dẫn người bệnh thực hiện động tác hít vào và thở ra theo quy trình kỹ thuật đo
Từ khi đi được thành lập khoa và đi vào hoạt động, BGĐ đã cử nhiều đợt cán bộ đi học tập tại Bệnh viện Phổi Trung Ương về chương trình Thăm dò chức năng hô hấp để phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị tại khoa cũng như đáp ứng được nhu cầu của người bệnh khi nằm viện.
Vì vậy để phục vụ cho công tác điều trị và để có chẩn đoán chính xác giúp kết quả điều trị đáp ứng được nhu cầu của ngời bệnh chúng ta đo chức năng hô hấp khi cần:
-Chẩn đoán các bệnh lý hô hấp, khi có các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm khác bất thường như: khó thở, khò khè, ngồi thở, thở ra khó khăn, ho đờm kéo dài, ho khan kéo dài, dị dạng lồng ngực;
-Đánh giá các dấu hiệu, triệu chứng hoặc bất thường nghi ngờ do bệnh hô hấp;
-Đánh giá ảnh hưởng của bệnh trên chức năng phổi;
-Sàng lọc các trường hợp có yếu tố nguy cơ với bệnh phổi;
-Đánh giá tiên lượng trước phẫu thuật;
-Đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi làm nghiệm pháp gắng sức.
* Đối tượng nào nên đo Chức Năng Hô Hấp:
Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm bất thường ở hệ hô hấp;
Người bệnh có biểu hiện khò khè, khó thở, thở ra khó khăn, ho khan kéo dài, ho có đờm, dị dạng lồng ngực;
Người nghiện thuốc lá;
Những người làm việc trong môi trường khói bụi và hóa chất độc hại;
Ngoài ra, tiến hành đo chức năng hô hấp trong trường hợp theo dõi, lượng giá, đáp ứng điều trị ở bệnh nhân hen phế quản, phổi hạn chế hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Với một chút thông tin chia sẻ trong bài viết về kỹ thuật Thăm Dò Chức Năng Hô Hấp tại bệnh viện Phổi Hà Giang hy vọng sẽ giúp người bệnh hiểu hơn về công tác điều trị cũng như một số kỹ thuật đã được triển khai tại Bệnh viện.
Bài và ảnh: Phạm Hồng Hạnh