19.07.2017 , theo Sưu tầm
Ngày 11/03/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện y học cổ truyền toàn quốc giai đoạn 2014 - 2025 với các nội dung chính như sau:
Mục tiêu chung:
Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện Y học cổ truyền toàn quốc nhằm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng “Đẩy mạnh việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển đông y; kết hợp đông y với tây y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, góp phần làm giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện.
Mục tiêu cụ thể:
a) Các bệnh viện y học cổ truyền theo quy hoạch được xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và có đủ trang thiết bị y tế thiết yếu theo quy định.
b) Khám chữa bệnh y học cổ truyền đạt và vượt 15% trong tổng số khám chữa bệnh tại tuyến trung ương; đạt và vượt 20% trong tổng số khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh của ngành y tế vào năm 2020, theo mục tiêu của Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020.
c) Trên 90% cán bộ chuyên môn bệnh viện y học cổ truyền được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.
Phân loại quy mô đầu tư bệnh viện y học cổ truyền
Quy mô bệnh viện y học cổ truyền cấp tỉnh được xác định theo dân số, nhu cầu khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền của nhân dân và khả năng cung cấp dịch vụ, cụ thể như sau:
- Quy mô từ 100 - 150 giường bệnh: Đối với địa phương có dân số dưới một triệu dân;
- Quy mô từ 150 - 250 giường bệnh: Đối với địa phương có dân số từ một triệu đến dưới hai triệu dân;
- Quy mô từ 250 - 350 giường bệnh: Đối với địa phương có dân số từ hai triệu dân trở lên;
Đối với những địa phương hiện tại bệnh viện y học cổ truyền có quy mô lớn hơn mức quy mô quy định nêu trên và đang hoạt động hiệu quả thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất xác định quy mô bệnh viện phù hợp với quy hoạch, bảo đảm hoạt động hiệu quả trên nguyên tắc ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí vốn đầu tư xây dựng và nâng cấp bệnh viện cho số giường vượt quá quy định nêu trên.
Đối với các bệnh viện y học cổ truyền trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Công an, giao Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy mô giường bệnh phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành.
Phân kỳ đầu tư:
a) Giai đoạn từ 2014 - 2015:
Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế thiết yếu cho một số bệnh viện có Dự án đang thực hiện; ưu tiên đầu tư các dự án đã xác định được nguồn vốn đầu tư và một số bệnh viện xuống cấp trầm trọng; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y học cổ truyền (danh mục tại Phụ lục I).
b) Giai đoạn từ 2016 - 2020:
Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế thiết yếu cho một số bệnh viện đã được đầu tư giai đoạn 2014 - 2015; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các bệnh viện xuống cấp; xây dựng mới các bệnh viện y học cổ truyền theo quy hoạch; đầu tư trang thiết bị y tế thiết yếu; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y học cổ truyền (danh mục tại Phụ lục II).
c) Giai đoạn 2021 - 2025:
Tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thiết yếu; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y học cổ truyền.
Kinh phí thực hiện Đề án
1. Kinh phí thực hiện Đề án bao gồm các nguồn sau:
- Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước;
- Nguồn vốn sự nghiệp cho đào tạo cán bộ, mua sắm, cải tạo, sửa chữa các bệnh viện theo danh mục ban hành kèm theo Quyết định này; quản lý, giám sát việc thực hiện Đề án;
- Nguồn vốn ODA và viện trợ;
- Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (báo cáo Quốc hội cho phép huy động khi có chủ trương);
- Nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Một số giải pháp huy động nguồn vốn thực hiện Đề án:
- Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương: Thực hiện bố trí kế hoạch vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo các bệnh viện theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2010 về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2011;
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành các dự án theo quy hoạch;
- Huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách theo quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012 về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập;
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các bệnh viện y học cổ truyền theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Y tế, Bộ Công an cân đối trong nguồn vốn đầu tư tập trung hằng năm và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các bệnh viện y học cổ truyền trực thuộc Bộ.
Tổ chức thực hiện
1. Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Đề án; phối hợp giải quyết những vướng mắc theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ để xử lý những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền;
b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng ban hành tiêu chuẩn thiết kế, thiết kế mẫu bệnh viện Y học cổ truyền làm căn cứ để các Bộ, ngành và địa phương xây dựng các dự án đầu tư phù hợp;
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổng hợp nhu cầu, lập kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y học cổ truyền;
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Đề án, định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tổng hợp nhu cầu, cân đối vốn đầu tư phát triển, huy động nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn trái phiếu Chính phủ (nếu có) để thực hiện Đề án theo quy định hiện hành;
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện Đề án;
c) Phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Đề án.
3. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế căn cứ khả năng ngân sách nhà nước hằng năm để bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư cho các dự án theo quy định. Hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí đào tạo, tập huấn cán bộ, kinh phí vận hành, duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư;
c) Phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Đề án, định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Bộ Công an có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án trực thuộc Bộ theo đúng quy định hiện hành;
b) Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện dự án theo quy định.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
a) Tổ chức xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án thuộc Đề án theo đúng quy định hiện hành;
b) Chịu trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, thực hiện dự án bảo đảm tiến độ theo quy định; xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y học cổ truyền của địa phương;
c) Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện dự án theo quy định.