Bệnh Viện Phổi Tỉnh Hà Giang logo

BỆNH DẠI VÀ NHỮNG BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA

29.09.2017 , theo Ảnh: Nguồn Internet


Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh Dại 28/9 Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại là chó, mèo lên da bị tổn thương. Ở nước ta, chó là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (chiếm 95 - 97%) sau đó là mèo. Người đã phát bệnh dại hầu hết là tử vong

Tại tỉnh ta, theo số liệu thống kê của Trung tâm y tế dự phòng, tính từ đầu năm đến 31.8, trên địa bàn tỉnh ta đã có 1.121 trường hợp tiêm vắc xin phòng dại và 100 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại bị súc vật nghi dại cắn, không có trường hợp tử vong.

          Bệnh dại, có thời gian ủ bệnh rất khác nhau, tùy theo vết cắn và độc lực của virut dại, có thể  từ 10 ngày đến 1 năm (trung bình từ 20 - 60 ngày). Nếu vết cắn ở gần thần kinh trung ương, độc lực của virut dại mạnh thì thời kỳ ủ bệnh ngắn hơn các nơi khác. Những trường hợp nghi dại thường có các triệu chứng như: Lo lắng, thay đổi tính tình, đau ở nơi vết cắn. Thời kỳ toàn phát của bệnh, thông thường có 2 thể bệnh là thể hung dữ và thể liệt.

          Thể hung dữ: Biểu hiện chủ yếu là sự kích thích tâm thần như hung dữ, điên khùng, hoảng loạn, đập phá và nhanh chóng đi đến hôn mê rồi tử vong. Thể hung dữ còn có thể chỉ bị kích thích vận động là chủ yếu như co cứng, run rẩy, giật, co thắt họng, khí quản, đồng thời người bệnh sợ nước, sợ gió. Những lúc này, bệnh nhân khát mà không dám uống, chỉ cần nghe thấy tiếng nước chảy róc rách cũng đã lên cơn co thắt thanh, khí quản, họng, rất đau đớn và có thể bị nghẹt thở. Các triệu chứng kích thích sẽ tăng lên khi có các tác động mạnh như gió thổi, mùi vị, ánh sáng chói chang. Người bệnh luôn luôn trong trạng thái sợ sệt, hoảng hốt, lo lắng, mắt đỏ ngầu, sáng long lanh. Bệnh nhân rất thính, chỉ cần có tiếng động nhẹ hay ai đó nói gì đều có thể nhận biết và người bệnh lại lên cơn tiếp. Ngoài ra, người bệnh có sốt cao và tăng tiết đường hô hấp trên cho nên rất nhiều đờm, dãi. Dần dần, người bệnh bị rối loạn tim mạch, hô hấp và xuất hiện ảo giác. Bệnh tiến triển càng ngày càng xấu đi và có thể tử vong trong vòng từ 3 - 5 ngày.

          Thể liệt: chiếm tỷ lệ thấp hơn. Người bệnh ít gặp triệu chứng sợ nước, gió. Lúc đầu đau cột sống thắt lưng, sau đó liệt cơ vòng khiến đại, tiểu tiện không tự chủ, rồi liệt chi trên. Khi tổn thương lan đến hành não thì bắt đầu xuất hiện liệt thần kinh sọ não. Bệnh nhân sẽ tử vong do ngừng hô hấp và tuần hoàn.

          Để làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập thì ngay khi bị chó, mèo dại, nghi dại cắn, liếm hoặc tiếp xúc với chúng cần phải nhanh chóng rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối hoà đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc. Khi rửa vết thương tuyệt đối không được làm dập vết thương và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được kiểm tra và tiêm vắc xin phòng dại.         

          Với những trường hợp bị xây xát nhẹ, vết xây xát xa thần kinh trung ương thì cần theo dõi con vật trong 15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy con vật có biểu hiện không bình thường như: Ốm, bỏ ăn, chết, mất tích, bán hoặc mổ thịt... phải đến điểm tiêm phòng dại để được điều trị dự phòng ngay. Nếu sau 15 ngày kể từ khi người bị con vật cắn, tiếp xúc mà con vật đó vẫn sống bình thường thì không cần điều trị dự phòng.

          Đối với những trường hợp bị chó, mèo dại, nghi dại cắn khi đi tiêm phòng dại cần chú ý:

          - Phải tiêm sớm ngay sau khi bị cắn hoặc tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại.

          - Phải tiêm đủ số mũi, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo chỉ định của bác sĩ đối với từng loại vaccin dại và phác đồ tiêm.

          - Phải tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật và vaccin phải được bảo quản ở nhiệt độ 40C - 80C.

          - Trong thời gian tiêm không nên làm việc quá sức, không uống rượu và dùng các chất kích thích.

          - Không dùng các thuốc làm giảm miễn dịch... trong và sau khi tiêm phòng dại 6 tháng.

          Bệnh dại, hiện nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiện, hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

          1. Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

          2. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

          3. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.

          4. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

          5. Khi bị chó, mèo cắn cần:

- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút.

- Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

- Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod

- Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

- Tuyệt đối không tự chữa tại nhà bằng thuốc lá dùng để đắp, rắc vào vết thương.

 

 


Các bài đã đăng

Xem thêm

Website đơn vị trực thuộc
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy website giao diện mới thế nào?

Xem kết quả

Cơ sở dữ liệu quốc gia về VBPL

danh sách cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng

Dịch vụ công mức độ 4

danh sách cơ sở đủ điều kiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện

danh sách cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học

Danh sách cơ sở đủ điều kiện diệt côn trùng diệt khuẩn