07.12.2022 , theo Bệnh Viện Phổi Tỉnh Hà Giang
BHG - Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Bệnh viện Phổi Hà Giang mang trong mình “sứ mệnh kép”: Vừa thu dung, điều trị, cách ly bệnh nhân Covid-19; vừa là địa chỉ tin cậy khám, chữa bệnh lao và các bệnh phổi, phế quản. Trên cơ sở đó, nỗ lực cùng các cấp, ngành hướng tới mục tiêu: Giảm thiểu tác động của Covid-19, tập trung nguồn lực, tăng cường phát hiện, cùng hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao.
Cán bộ Bệnh viện Phổi Hà Giang chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Bệnh viện Phổi Hà Giang có quy mô 120 giường bệnh, 15 khoa, phòng chức năng với hơn 100 cán bộ y tế. Đây là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hạng II, có chức năng chính là khám, chữa bệnh lao, các bệnh lý về phổi, phế quản và thực hiện công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tháng 10.2021, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Bệnh viện số 1, thu dung, điều trị và cách ly bệnh nhân Covid-19 trên cơ sở Bệnh viện Phổi Hà Giang. Theo đó, toàn bộ bệnh nhân của Bệnh viện Phổi được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh để thu dung, khám, điều trị và theo dõi bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Đến nay, Bệnh viện Phổi Hà Giang đã điều trị cho 1.214 bệnh nhân mắc Covid-19; 1.182 bệnh nhân trong số đó khỏi bệnh, hiện còn 32 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Thực tế cho thấy, Covid-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là sinh mệnh con người. Đa phần các can thiệp chống lao được áp dụng cho dịch bệnh Covid-19 vì có những điểm tương đồng. Do đó, nhằm thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, tháng 1.2022, tỉnh ta đã khôi phục, củng cố hệ thống y tế phòng, chống lao tại Bệnh viện Phổi Hà Giang song song với kế hoạch ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Điều này vừa đáp ứng công năng điều trị Covid-19 tối đa 50% số giường điều trị của bệnh viện; vừa đảm bảo mạng lưới chống lao thông suốt, không bị đứt gãy...
Bác sĩ chuyên khoa II Chúc Hồng Phương, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Giang, chia sẻ: Bệnh lao được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Không ai mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát hiện bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là bước đi đột phá, có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay. Điều này không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. Do đó, Bệnh viện Phổi Hà Giang thường xuyên tổ chức các đợt khám, phát hiện chủ động tại các xã, huyện, trại tạm giam... nhằm nâng cao tỷ lệ người dân được khám, phát hiện bệnh lao. Hơn nữa, thông qua chiến lược 2X – chiến lược mới trong chẩn đoán phát hiện vi khuẩn lao, sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm Genexpert cùng sự hỗ trợ kinh phí từ Quỹ toàn cầu, tỉnh ta đã thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra: Trên 1% dân số được khám sàng lọc chủ động các bệnh lao, phổi.
Đặc biệt, việc ứng dụng kỹ thuật mới trong phát hiện chẩn đoán bệnh lao tại Bệnh viện Phổi, như: Xét nghiệm đờm bằng phương pháp soi trực tiếp, sinh học phân tử, nuôi cấy, Gen – Xpert... đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh nhân lao. Kết quả điều trị thành công đạt trên 90%, tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao kháng thuốc đạt từ 60 – 70%/năm. Mặt khác, Bệnh viện Phổi Hà Giang còn làm tốt vai trò trung gian về chuỗi cung ứng thuốc lao, vật tư trang thiết bị xét nghiệm lao từ Bệnh viện Phổi T.Ư cấp về tuyến tỉnh, điều phối về tuyến huyện, xã; đảm bảo cung ứng kịp thời cho hoạt động khám, điều trị bệnh nhân lao, nhất là bệnh nhân lao kháng thuốc.
Mặc dù giành được kết quả trên, song, theo nhận định của cơ quan chuyên môn: Tình hình dịch tễ bệnh lao trong những năm gần đây chưa có xu hướng giảm về số lượng mắc mới. Trung bình mỗi năm, cơ sở y tế phát hiện và thu dung, điều trị trên 500 ca bệnh lao các thể, chiếm khoảng 0,07% dân số, tương ứng khoảng 66/100.000 dân. Riêng tại huyện Yên Minh, nhiều năm liền thu nhận bệnh nhân lao cao nhất so với các địa phương trong toàn tỉnh; cá biệt năm 2020 thu nhận mới tại huyện là 108/566 bệnh nhân lao toàn tỉnh, chiếm 0,11% dân số huyện, tương ứng khoảng 109,5/100.000 dân. Nguồn lây bệnh lao trong cộng đồng còn cao, do tỷ lệ phát hiện thụ động thấp, ý thức của người dân về bệnh lao chưa cao. Tỷ lệ bệnh nhân không theo dõi được hoặc không tuân thủ phác đồ điều trị dẫn đến bỏ điều trị còn cao, chiếm khoảng 7%. Thêm vào đó, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao kháng đa thuốc còn thấp, mới đạt 50% chỉ tiêu. Riêng các chương trình hoạt động về lao tiềm ẩn và lao trẻ em triển khai còn chậm. Bởi, đối tượng trẻ em khó tiếp cận; trẻ nhỏ từ 0 – 4 tuổi gặp nhiều khó khăn trong việc dùng thuốc điều trị lao...
Từ thực tế trên, Bệnh viện Phổi Hà Giang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần cùng các cấp, ngành thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Trong đó, tập trung huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phòng, chống lao; triển khai và nâng cao chất lượng dịch vụ chống lao toàn diện, ứng dụng các kỹ thuật mới trong phát hiện chẩn đoán bệnh lao... Trên cơ sở đó, đảm bảo bất cứ người dân nào có nguy cơ bị bệnh lao đều có thể được chẩn đoán sớm và chỉ định phác đồ điều trị phù hợp mà không phải gánh chịu chi phí lớn do điều trị bệnh lao.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
http://www.baohagiang.vn/xa-hoi/202204/su-menh-kep-o-benh-vien-phoi-ha-giang-4df7c67/